Não của chúng ta đôi khi giống như tam giác quỷ Bermuda, thông tin đi vào rồi biến mất luôn mà không thấy đi ra. Đó là vì trí nhớ của con người rất hạn hẹp. Chỉ cần sau 3 ngày là chúng ta đã quên hết 90% lượng thông tin nghe được.
Thậm chí não của chúng ta dù thức dậy từ sáng sớm nhưng đặt chân đến cửa văn phòng là đột nhiên nó lại đi ngủ. Còn điều gì bất ngờ về não bộ mà bạn còn chưa biết nhỉ?
1. Não không thể xử lí nhiều việc cùng lúc
Người ta cho rằng phụ nữ vốn 3 đầu 6 tay và có thể xử lí nhiều việc cùng lúc, nhưng thực tế là chúng ta chỉ chuyển đổi qua lại giữa các công việc, chứ không phải là làm mọi việc cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, cứ nhảy qua nhảy lại như vậy sẽ khiến nguy cơ mắc lỗi của bạn tăng lên 50% và mất thời gian gấp đôi mới hoàn thành những việc cần làm. Khi chia tách các nguồn lực của não bộ, bạn sẽ bớt đi sự tập trung vào mỗi công việc, kết quả là làm gì cũng không tốt.
Chẳng hạn khi bạn làm 2 việc, não sẽ chia làm 2, dùng 1 nửa chất xám để phục vụ cho mỗi công việc. Thực tế thì não sẽ không thể xử lí 2 việc đồng thời. Thay vào đó, những tài nguyên quan trọng nhất của não lại bị lãng phí vào việc chuyển đổi qua lại giữa việc này và việc kia.
Làm nhiều việc cùng lúc chỉ khiến bạn mắc sai lầm nhiều hơn.
2. Não thích những người hay phạm sai lầm
Rõ ràng, mắc lỗi khiến chúng ta đáng yêu và dễ gần hơn trong mắt người khác. Đây được gọi là hiệu ứng Pratfall. Hiệu ứng này lí giải vì sao sự không hoàn hảo có thể khiến con người và sản phẩm hấp dẫn hơn. Và điều này đã được các nhà làm quảng cáo tiếp thị tận dụng từ lâu. Rất ít người bận tâm đọc những nhận xét đầu cuốn sách nhưng nó lại gây sự chú ý nếu có cả những nhận xét tiêu cực ở ngay trang đầu.
Do đó, những người hoàn hảo, làm việc gì cũng tròn trịa sẽ không được yêu mến bằng người thỉnh thoảng mắc lỗi. Những sai phạm kéo con người tới gần nhau hơn, khiếm khuyết khiến chúng ta "người" hơn, chân thật hơn. Còn sự hoàn hảo tạo ra khoảng cách và chất chứa mùi của kẻ bất khả chiến bại, không hấp dẫn chút nào. Vì thế, sơ suất làm đổ tách cà phê trong buổi họp cũng không phải là điều đáng sợ nhất trên đời đâu bạn nhé.
Đừng hoảng sợ nếu bạn vô tình làm đổ cà phê trong buổi họp.
3. Thị lực là giác quan mạnh mẽ nhất
Dù chỉ là 1 trong 5 giác quan tiêu biểu của con người, nhưng thực tế thì thị lực lại vượt trội hơn các giác quan khác.
Khi nghe một thông tin, 3 ngày sau là bạn chỉ còn nhớ 10% nội dung đó. Nhưng nếu thông tin đó được thêm 1 tấm ảnh thì bạn sẽ nhớ tới 65%. Kết luận, hình ảnh đánh bại chữ nghĩa, bởi vì chúng ta không giỏi đọc chữ lắm. Não nhìn chữ giống như hàng ngàn bức tranh nhỏ xíu, và chúng ta phải định vị một số đặc điểm của kí tự thì mới đọc được chữ. Như vậy rất mất thời gian. Do đó, khi mô tả thông tin, nhất thiết phải đính kèm hình ảnh.
Một tấm ảnh có giá trị hơn hàng ngàn lời mô tả.
4. Não to chưa chắc đã thông minh
Liệu có sự liên quan nào giữa kích cỡ bộ não và trí thông minh? Bộ não của nhà bác học Albert Einstein chỉ nặng 1.230gram trong khi cân nặng trung bình của bộ não một nam giới trưởng thành là 1.400gram. Tuy nhiên, số lượng tế bào thần kinh đệm (bao bọc quanh tế bào thần kinh và giữ chúng nằm yên tại ví trí) ở não bộ của Einstein nhiều hơn so với người bình thường. Điều này khiến chúng ta không thể đưa ra kết luận rằng người có đầu càng to thì càng thông minh.
Não của loài cá nhà táng nặng những 7,8kg. Tuy thực sự cá nhà táng thông minh hơn các động vật có vú khác nhưng nếu so với con người thì đó là một sự so sánh khập khiễng. Sự thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không phụ thuộc vào trọng lượng của bộ não.
Bộ não của Einstein vẫn là một bí ẩn của khoa học.
5. Não không cảm thấy đau
Bộ não không có cơ quan thụ cảm cảm giác đau. Đó là lí do tại sao các bác sĩ có thể phẫu thuật não cho bệnh nhân trong khi người này vẫn tỉnh táo. Việc này giúp họ đảm bảo rằng quá trình phẫu thuật phức tạp không ảnh hưởng đến bất kì chức năng thị giác hoặc kiểm soát vận động nào.
Tóm lại, dù chỉ nhỏ vừa 2 bàn tay khum lại nhưng những gì chúng ta biết về não bộ còn rất hạn chế. Nếu não bộ mà đơn giản đến mức ta có thể hiểu nó, thì bản thân con người cũng sẽ đơn giản tới mức chúng ta không phải là người nữa. Chính nhờ sự phức tạp của não người mà thế giới này mới hình thành như ngày nay.
Nguồn: Bustle